Công ty TNHH Sao Đỏ Việt Nam

Icons giỏ hàng Giỏ hàng 0
Tổng : 0 đ
Trang chủ  /  Tin tức  /  Góc kiến thức

Một số thông số trong máy xét nghiệm sinh hoá

2.998 lượt - 07-11-2016, 11:34 am

Các máy xét nghiệm sinh hoá hiện nay có thể làm được rất nhiều thông số, điều này phụ thuộc vào việc người ta nghiên cứu ra các hoá chất tương ứng cho từng thông số. Trong phạm vi tài liệu, chỉ xin nêu ra một số các thông số trong máy xét nghiệm sinh hoá máu thường gặp trong xét nghiệm tại các bệnh viện và có ý nghĩa trong chẩn đoán các bệnh phổ biến hiện nay. Khi làm xét nghiệm cần chú các kết quả xét nghiệm chỉ là khách quan, cần phân tích biện chứng các kết quả, tránh ỷ lại vào máy, nhìn kết quả phiến diện mà dẫn đến kết luận không chính xác. Mỗi thông số đo được phản ảnh nhiều kết quả bệnh lý khác nhau, cụ thể:

 

1. Creatinin (CRE)

 

Creatinin là sản phẩm chuyển hoá của Creatin-phosphat, một dạng dự trữ năng lượng dùng cho việc co cơ. Creatinin không được cơ sử dụng, vào máu rồi được thận đào thải ra ngoài qua nước tiểu.

Bình thường, nồng độ creatinin trong huyết thanh là 44-106 umol/l (0,5- 1,2 mg/dl)

Tăng trong:

– Tổn thương hoặc dập nát cơ diện rộng, viêm cơ…

– Các bệnh về thận: viêm thận cấp và mãn tính, nhiễm độc thuỷ ngân, bí đái do tắc đường tiết niệu, sau khi cắt bỏ thận.

Giảm trong:

– Suy gan do giảm tổng hợp creatinin, nguyên liệu tạo nên creatin-phosphat.

Creatinin là thành phần đạm ổn định nhất trong máu, không phụ thuộc vào chế độ ăn uống hoặc những thay đổi sinh lý khắc mà chỉ phụ thuộc vào khả năng đào thải của thận nên hiện nay được sử dụng nhiều để theo dõi chức năng thận, quan trọng hơn urê.

 

 

2. Protein toàn phần (PRO)

 

Bình thường, protein toàn phần có trong 100ml huyết thanh là 7,1-8,6 g, theo hằng số sinh học của người Việt Nam, bao gồm 4,5-5,5g albumin và 2,5- 3,5 globumin.

Tăng trong các trường hợp mất nước liên tục ( nôn, ỉa chảy), khi sốt kéo dài, đa u tuỷ.

Giảm do:

– Hấp thu không đủ protein: thiếu dưỡng, các bệnh làm gầy mòn cơ thể, các bệnh của bộ máy tiêu hoá.

– Mất albumin quá nhiều: bệnh hư thận

– Tăng mức huỷ hoại protein: bệnh đái tháo đường thể nặng, nhiễm độc giáp nặng.

– Giảm tổng hợp albumin: xơ gan, viêm gan.

– Tăng khối lượng huyết tương và khi máu bị pha loãng.

– Tăng nhu cầu protein: khi có thai và cho con bú.

 

 

3. Urê

 

Urê là sản phẩm thoái giáng quan trọng của protein, được tổng hợp ở gan và được đào thải chủ yếu qua thận.

Bình thường, nồng độ urê trong huyết thanh là 2,5-6,7 mmol/l (15- 40 mg/dl).

Tăng do:

– Tăng cung cấp: chế độ ăn giàu đạm, tăng chuyển hoá đạm trong cơ thể (sốt nhiễm khuẩn…)

– Giảm đào thải;

Trước thận: đái ít ( bệnh tim, xơ gan), mất nước ( ỉa chảy, nôn nhiều)

Tại thận: bệnh cầu thận, ống thận cấp và mãn tính

Sau thận: tắc đường dẫn nước tiểu như trong ung thư hoặc u lành tuyến tiền liệt, sỏi đường tiết niệu.

Giảm do:

– Chế độ ăn nghèo đạm

– Suy gan làm giảm tổng hợp urê.

 

 

4. Cholesterol (CHO)

 

Bình thường, nồng độ cholesterol trong huyết thanh là 3,9-4,9 mmol/l (150-190 mg/dl)

Cholesterol tăng sau khi ăn nhiều mỡ, khi có thai từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 4 trước khi sinh.

Về bệnh lý:

Tăng:

– Bệnh xơ vữa động mạch

– Thận hư, cholesterol máu có thể tăng 10 mmol/l

– Suy giáp

– Vàng da do tắc mật, sỏi mật

– Chứng biếng ăn do thần kinh

– ảnh hưởng của một số loại thuốc.

Giảm:

– Thiểu dưỡng, rối loạn hấp thu thức ăn

– Suy gan

– Cường giáp

– Bệnh tăng sinh tuỷ

– Các bệnh nhiễm khuẩn mãn tính: HIV, lao…

 

 

5. Gluco (GLU)

 

Bình thường, nồng độ gluco máu là 4,4-6,1 mmol/l (80-110mg/dl). Nếu gluco vượt quá ngưỡng thận (>8,9-10 mmol/l) sẽ xuất hiện gluco trong nước tiểu.

Tăng trong:

– Bệnh đái tháo đường, tăng rất cao trong hôn mê của bệnh này

– Tăng nhẹ trong các bệnh u não, viêm màng não, chấn thương sọ não, suy gan.

Giảm trong gắng sức cơ năng và kéo dài, đói, cơn hôn mê vì thiếu gluco do dùng isulin, u tụy, suy gan nặng, suy tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, một số bệnh thần kinh như viêm màng não, động kinh, mất trí sớm, sau khi cắt dạ dày, nhiễm độc cồn ethylic…

 

 

6. Bilirubil

 

Bilirubil là sản phẩm thoái giáng của chuyển hoá huyết sắc tố. Có hai loại bilirubil:

– Bilirubil gián tiếp hình thành trong hệ thống võng mô, là loại bilirubil chưa được qua gan để vào các đường dẫn mật, không tan trong nước nên không bài tiết qua thận. Bilirubil này còn gọi là thành phần chủ yếu của bilirubil toàn phần, nồng độ bình thường trong huyết thanh là < 12 umol/l (<0,7 mg/dl).

– Bilirubil trực tiếp hình thành trong gan từ bilirubil gián tiếp, bình thường chỉ có rất ít, <5umol/l (<0,3 mg/dl)

Cả hai loại bilirubil trên kết hợp thành bilirubil toàn phần: nồng độ trung bình trong huyết thanh là <17 umol/l (<1mg/dl)

Bilirubil toàn phần tăng trong các trường hợp có tan máu ( sốt rét, sau truyền máu), khi hấp thụ một ổ tụ máu lớn, tổn thương nhu mô gan, thuốc gây độc cho tế bào gan.

Bilirubil trực tiếp tăng do:

– Do ứ mật trong gan: viêm gan do virus hay do nhiễm độc, xơ gan mật…

– Do tắc đường dẫn mật ngoài gan: sỏi mật, hạch to chèn ép đường dẫn mật.

 

 

7. Amylase

 

Nguồn gốc amylase ở tụy và tuyến nước bọt, amylase là men tham gia quá trình chuyển hoá cacbon hiđrat.

Bình thường, nồng độ amylasa trong huyết thanh là 60-180 U/l

Tăng cao trong bệnh viêm tụy cấp tính, nồng độ trong máu có thể tăng lên tới 6-7 lần trong những ngày đầu, tăng vừa phải trong viễm tụy mãn tính, ung thư tụy, loét dạ dày tá tràng thủng vào tụy, viêm túi mật, quai bị, viêm tuyến nước bọt.

 

 

8. Creatininkinase (CK)

 

Còn có tên là creatin phosphokinase (CPK). CK là men xúc tác phản ứng:

Creatin+ATP            creatin phosphat+ADP

Có 3 đồng men: CK-MM có ở các cơ, CK-MB có chủ yếu ở tim- loại này thường được dùng hơn cả, CK-BB có chủ yếu ở não. Bình thường, hoạt tính CK trong huyết tương chủ yếu là CK-MM. Trị số CK trung bình trong huyết thanh là <195 U/L, trị số của CK-MB là <2-3% trị số CK.

– CK tăng khi lao động gắng sức, trong các bệnh về cơ như viêm cơ, chấn thương cơ, nhồi máu cơ tim

– CK-MB tăng trong nhồi máu cơ tim.

 

 

9. Lactat dehydrogenase ( LDH)

 

LDH là men cần thiết cho sự chuyển hoá gluco xúc tác phản ứng:

Lactat + NAD           pyryvat + NADH2

Trị số trung bình trong huyết thanh là 100-250 U/l

Thay đổi bệnh lý

– Nhồi máu cơ tim: nồng độ trong máu rất cao, gấp từ 7-10 lần; tăng từ 24 đến 36 giờ sau khi khởi phát bệnh và trở lại bình thường sau 10-15 ngày, nồng độ tăng song song với mức tổn thương.

– Các bệnh về gan: tăng vừa trong viêm gan do virus cấp tính, xơ gan, di căn ung thư ở gan, tăng nhẹ trong các bệnh đường mật.

 

 

10. Phosphate

 

Là men để thủy phân các este photphoric, rất cần để chuyển hoá photpho, trong lâm sàng thường dùng 2 loại xét nghiệm phosphate axit và phosphate kiềm:

Photphat axit ( ACP)

Có nhiều trong các tổ chức, cơ quan như tuyến tiền liệt, hồng cầu, tiểu cầu, lách, xương…Trị số trung bình trong huyết thanh là <5,5 U/l

ACP tăng trong các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt khi có di căn vào xương.

Photphat kiềm ( ALP)

Hoạt động trong môi trường pH 9-10, nguồn gốc chủ yếu ở xương, một phần ở gan, thận, lách, niêm mạc ruột… Trị số bình thường trong huyết thanh là 30-120 U/l.

Thay đổi bệnh lý:

– Tăng trong bệnh còi xương, nhuyễn xương, ung thư xương…

– Giảm trong bệnh lao phổi, chứng lùn tuyến yên, thiếu hụt vitamin C, thiếu máu…

 

 

11. Tranramin

 

Là men giúp cho sự vận chuyển những nhóm amin, tạo nên mối liên hệ giữa những sự chuyển hoá protein và gluxit. Có 2 loại được chú ý trong lâm sàng hiện nay nhất là :

Glutamo-Oxalo Tranramin ( GOT ), có nhiều ở tim, gan rồi đến các cơ, thận, phổi. Men này còn được gọi là aspartat amino transferase, trong lâm sàng thường gọi tắt là AST.

Glutamo-Pyruvic Tranramin ( GPT),  có nhiều trong gan. Men này còn được gọi là alanin amino transferase gọi tắt là ALT

Trong huyết thanh, 2 loại men này có thêm chữ S ở đầu và viết tắt là SGOT và SGPT.

Trị số trung bình trong huyết thanh là:

– SGOT < 35 U/l

– SGPT < 35 U/l

SGOT tăng trong nhồi máu cơ tim cấp tính, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tim, trong nhồi máu cơ tim cấp tính SGOT tăng rất cao.

SGPT tăng trong các bệnh về gan mật như viêm gan cấp tính và mãn tính, xơ gan, ung thư gan, viêm đường mật… Trong viêm gan do virus cấp tính, SGPT tăng rất cao, có khi gấp 10-30 lần hoặc hơn.

 

 

12. Triglycerides ( PAP)

 

Bình thường nồng độ trong huyết thanh là < 2mmol/l ( <175 mg/dl)

Tăng trong bệnh xơ vữa động mạch, còn tăng trong bệnh béo phì, nghiện rượu, đái tháo đường, suy gan, viêm tụy, suy thận, nhiễm khuẩn..

 

 

13. Axit uric ( AU)

 

Axit uric là sản phẩm thoái giáng của nucleprotit. Bình thường nồng độ trong huyết thanh là 208-327 umol/l theo hằng số sinh học người Việt Nam, ở nữ thấp hơn nam một chút.

Tăng trong bệnh gút, trong sốt cao, bỏng rộng, một số bệng về thận như viêm thận-bể thận, thận ứ nước, lao thận…

Giảm trong một số bệnh có tổn thương tế bào gan, một số trường hợp tổn thương ống thận.

 

 

Tin liên quan